Trong các nguyên tắc khi lắp dựng kính ở phần trước, chúng ta đã đề cập đến các tiêu chí cần được xem xét trong quá trình Kiểm tra thiết kế. Ở phần này, chúng tôi sẽ đưa ra các nguyên tắc cần thiết trong việc Kiểm tra bản vẽ thi công và vật liệu, để các nhà thầu kính và các đơn vị thi công chú ý để việc thi công lắp đặt kính đạt hiệu quả cao.
Quá trình kiểm tra bản vẽ thi công và vật liệu chúng ta cần chú trọng đến Kính và lắp kính, các bước thao tác, độ võng của khung, dung sai lắp, hệ thống thoát nước, độ phủ bì của kính, độ lọt sáng… trước khi đến công đoạn thi công lắp dựng kính.
a. Kính và lắp kính
Nhà sản xuất kính hoặc nhà gia công cần thực hiện những công tác sau:
+ Kiểm tra và nhận xét các chi tiết
+ Đánh giá cường độ của kính, độ lệch và độ chịu ứng suất nhiệt của các loại cấu trúc kính cụ thể
+ Cung cấp các chỉ dẫn về vận chuyển và lắp đặt phù hợp
Các hệ thống lắp kính và trang bị che nắng trong và ngoài có thể gây ra các hiện tượng quá tải nhiệt trên bề mặt kính gây ra các khả năng vỡ kính. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý đối với các loại kính màu và kính phủ. Nhà sản xuất hoặc nhà gia công kính nên xem xét các bản vẽ kiến trúc và bản vẽ thi công để quyết định có nên dùng loại kính được xử lý nhiệt hay không. Kính được xử lý nhiệt có thể cần thiết trong xây dựng để tuân thủ với các yếu tố thiết kế cụ thể.
Dựa vào các yêu cầu cụ thể, các nhà sản xuất chất trám, băng keo, lắp kính và gioăng đệm nên xem xét các chi tiết và đánh giá ảnh hưởng của các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với các vật liệu này, đồng thời khuyến nghị về các ứng dụng phù hợp với sản phẩm của mình.
b. Các bước thao tác
+ Bảo vệ khu vực thi công, làm sạch kính và khung lắp kính là nhiệm vụ của nhà thầu
+ Công việc hàn hoặc làm sạch kính bằng cát hay axit trong các vùng lân cận khung kim loại hoặc kính có thể làm mờ cả hai vật liệu này và giảm sức bền của kính. Có thể sử dụng vải bạt hoặc gỗ dán để bảo vệ khung và kính.
+ Sơn, bê tông, vữa hoặc các vật liệu tương tự có thể gây ra vết ố, ăn mòn hoặc làm rỗ mặt kính hoặc bề mặt kim loại nếu bị khô cứng trên bề mặt. Các vật liệu này cần được làm sạch ngay lập tức khỏi bề mặt kính và bề mặt kim loại bằng nước hoặc bằng các dung môi cần thiết.
c. Móc neo và các khớp nối dãn nở
+ Các khớp nối dãn nở của các thanh đố dọc không được gây áp lực lên kính do chuyển động của cấu trúc và hệ thống khung kính.
+ Các móc neo chịu tải gió phải cho phép có khoảng dãn nở tự do theo chiều dọc của các thanh đố mà không gây ra thêm các áp lực lên các thanh đố, các khớp nối đố hoặc các móc neo.
+ các thanh đố hai khẩu phải có neo chịu tải tĩnh được lắp gần trung điểm của đố để làm cân bằng sự co dãn lên xuống.
d. Độ võng của khung
+ Dưới tải trọng của thiết kế, độ võng đối với các thanh đố đỡ kính theo hướng vuông góc với mặt phẳng của tường phải đáp ứng được các yêu cầu của quy phạm nhưng không nên vượt quá độ dài của khẩu độ chia cho 150 (L/150) để các cạnh kính được đỡ một cách chắc chắn. Tùy trường hợp cụ thể, nhà thiết kế có thể quy định độ võng nhỏ hơn.
+ Dưới tải trọng tĩnh, độ võng của thanh khung đỡ kính nằm ngang theo hướng song song với mặt phẳng của tường không được làm giảm kích thước phủ bì của kính xuống dưới 75% so với kích thước thiết kế.
e. Dung sai lắp
+ Với bất cứ khuôn cửa hình chữ nhật nào, chênh lệch độ dài các đường chéo cũng không được vượt quá 3mm
+ Độ lệch lớn nhất của các thanh đố dọc (so với dây rọi) hoặc các thanh nằm ngang (đo bằng ống thủy) cũng không được vượt quá +/-3mm trên chiều dài 3.6m hoặc +/-6mm trên các loại ray cửa trượt.
+ Các hệ thống khung được thiết kế có chân lắp kính của các thanh ngang và dọc ở cùng mặt phẳng phải có độ hở tối đa 0.8mm tại các góc khung để tránh các áp lực không cân bằng trên mặt kính.
f. Thoát nước
Hệ thống thoát nước phải đảm bảo thoát tất cả các nguồn nước thẩm lậu một cách nhanh nhất. Kích cỡ và vị trí cụ thể của các lỗ thoát nước hay các rãnh thoát nước sẽ thay đổi tùy theo mục đích sử dụng kính. Hệ thống thoát nước phải đảm bảo nước sẽ không thâm nhập do độ lệch của các thanh nằm ngang hoặc ngăn cản dòng chảy của nước. Kích cỡ và vị trí của các lỗ thoát nước phải cho phép việc thoát nước kịp thời.
g. Độ lọt sáng, tấm đệm và Độ phủ bì của kính
+ Phải có độ hở thích hợp giữa các cạnh tấm kính và xung quanh để kính không tiếp xúc với hệ thống khung và có thể tự do dịch chuyển.
+ Các tấm kính xử lý nhiệt lớn và vật liệu kính dán có thể cần bổ sung thêm độ hở do cạnh cong và vênh.
+ Kính phải được lắp đặt tại hai gối đàn hồi tương tự nhau bằng cao su nhân tạo, EPDM, silicon hoặc vật liệu tương đương có độ cứng 85+/-5 theo phương pháp máy đo độ cứng.
+ Kích cỡ và hình dán hợp lý của các miếng đệm kê phải đảm bảo đỡ toàn bộ tấm kính mà vẫn cho phép nước thoát ra ngoài thông qua các lỗ thoát. Chiều rộng của miếng đệm đỡ ít nhất phải lớn hơn chiều dày tấm kính là 3mm.
+ Kê cạnh được sử dụng cho các hệ thống lắp kính khô nhằm hạn chế sự dịch chuyển ngang của kính do sự dịch chuyển ngang/ sự giãn nở, độ rung lắc của tòa nhà. Miếng kê cạnh nên làm từ cao su nhân tạo neopren, EPDM, silicone hoặc các vật liệu đàn hồi tương thích khác. Độ cứng thông thường là 50-70 theo máy đo độ cứng và có chiều dài tối thiểu 100mm, được đặt trong rãnh thẳng đứng và các cạnh của tấm kính khoảng 3mm.
+ Kính cần phải có khoảng “tự do chuyển động” (dịch chuyển) trong rãnh lắp kính mà không va chạm với khung kính, đồng thời vẫn duy trì được độ phủ bì dưới các điều kiện bất lợi nhất theo thiết kế.
Đối với việc lắp kính ướt và hệ thống lắp kính silicon kết cấu thì có thể không cần kê cạnh.
+ Kính được giữ trong hệ thống bằng các nẹp đủ sâu để giữ kính dưới các tải trọng, độ chuyển bị hoặc chuyển động dự kiến, đồng thời che phủ các vết trám cạnh của kính hộp cách nhiệt. Thiết kế của khung kính đối với các cửa sổ có khung và cửa đi phải đảm bảo sao cho khung đỡ kính chứ không phải kính đỡ khung. Việc sử dụng các cụ kê giúp ngăn chặn sự va đập của cạnh kính lên khung và giữ cho kính được định vị ở vị trí phù hợp.
Trên đây là các điểm cần chú ý của quá trình kiểm tra bản vẽ thi công và vật liệu, nhà thầu chính và nhà thầu lắp đặt kính cần lưu tâm để tính toán chính xác trong việc thi công và lắp dựng kính. Quá trình thi công lắp đặt kính còn trải qua rất nhiều các công đoạn đòi hỏi các đơn vị thi công phải có tính chuyên nghiệp và nắm rõ các công đoạn để việc lắp đặt kính diễn ra thuận lợi.