Nguồn : Hiệp hội kính và thuỷ tinh Việt Nam – Tài liệu : Cẩm nang sử dụng kính trong xây dựng
KÍNH TRANG TRÍ KIẾN TRÚC VÀ NỘI THẤT
Ngày nay, kính và thủy tinh đã hiện diện hầu khắp các cấp độ của cuộc sống, trong mọi nội thất gia đình, trong các công trình kiến trúc hay các điêu khắc trong không gian đô thị. Khi kính dần thay thế các bức tường truyền thống thì trang trí kiến trúc và nội thất chính là trang trí trên kính và đó là kính nghệ thuật.
Màu sắc là một ngôn ngữ hình ảnh mang tính quốc tế và phản ứng tâm lý của con người trong môi trường kiến trúc chủ yếu dựa trên nhận thức giác quan của màu sắc. Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công trình, những công nghệ mới ngày nay đã tạo cho kính nghệ thuật những hiệu quả màu sắc và ứng dụng đa dạng nhất để làm nổi bật những phẩm chất thẩm mỹ tinh tế và sang trọng giúp “cá tính hóa” kiến trúc và nội thất với chi phí thấp.
Có nhiều phương pháp và công nghệ cơ, lý, hóa, nhiệt,… để tạo ra những sản phẩm kính trang trí kiến trúc có các hiệu quả và giá thành đáp ứng mọi nhu cầu đa dạng của thiết kế.
Khắc trên kính là công nghệ có lịch sử lâu dài và có thể khắc trên mọi loại kính với chiều dày khác nhau. Có nhiều phương pháp như ăn mòn acide, đốt laze và phun cát. Trong đó có phun cát có khả năng tạo ra sản phẩm và hiệu quả đa dạng nhất. Độ bền vĩnh cửu, có thể sơn màu vào hình khắc.
7.2. KÍNH IN LƯỚI
Là công nghệ in men gốm, sau khi mung hình hoặc màu sẽ bám vĩnh viễn vào bề mặt của kính. Màu sắc tương đối đa dạng, có thể in trên nhiều loại kính và được sử dụng nhiều cho chống nắng. Kích thước phụ thuộc khung in và lò nung.
7.3. KÍNH NUNG CHẢY
Là thuật ngữ chỉ phương pháp tạo họa tiết hoặc hình dáng và thủy tinh bằng khuôn trong lò nung ở nhiệt độ 600 – 925o C. Phương pháp này tạo ra những hình nổi, hoa văn không màu với hiệu quả khúc xạ ánh sáng tốt, sử dụng nhiều cho trang trí. Mức độ đa dạng có hạn do phụ thuộc vào khuôn và kích thước lò nung, có thể nung với nhiều chiều dày kính.
7.4. KÍNH VẼ MÀU
Một phương pháp trang trí trên kính phẳng nhanh chóng và chính xác bằng các ứng dụng loại nhựa hai thành phần với một công thức đặc biệt mô phỏng các nét chì của kính màu ghép, sau đó tạo màu bằng tay. Độ bền sử dụng thấp, bề mặt dễ trầy xước.
7.5. KÍNH PHỦ MÀU
Công nghệ phủ màu sử dụng sơn có phụ gia đảm bảo độ bám dính trên bề mặt kính và được phủ một lớp bảo vệ.
Với khả năng cung cấp các hiệu ứng màu sắc đang dạng, có thể áp dụng trên các loại kính như kính thường, kính tôi, kính dán, kính phủ màu được sử dụng rộng rãi để ốp trang trí, ốp tường nhà bếp, vách ngăn biển hiệu.
7.6. KÍNH XẾP LỚP
Kính xếp lớp được sử dụng như một vật liệu cho tác phẩm điêu khắc thủy tinh, bằng cách dán chồng các lớp kính được cắt theo hình. Sản phẩm này có độ bền cao, sạch sẽ và dễ dàng bảo trì. Tạo khả năng sáng tạo vô hạn, nghệ thuật này ngày càng được các nhà thiết kế hiện đại yêu thích.
7.7. KÍNH MÀU GHÉP
Kính màu ghép là công nghệ làm kính trang trí có truyền thống từ 900 năm trước, đó là quá trình thủ công tỉ mỉ cắt, ghép các mảnh kính màu 3.5mm với các nẹp chữ H. Màu của kính được tạo thành bằng cách pha trộn các oxide kim loại vào thủy tinh nóng chảy (1400 độ) vì thế mà bền vĩnh cửu. Ánh sáng chiếu qua những vết sần trên kính tạo nên những hào quang bao quanh sống động chính là tính độc đáo của kính màu ghép.
Kính màu ghép thường được lắp kèm theo theo một tấm kính trong để bảo vệ, có thể lắp 2 lớp kính trong tạo thành hộp kính chống ồn và cách nhiệt.